Năm 2016, tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ đầy tự hào: “Mỹ là quốc gia có 6 nhà khoa học và nhà nghiên cứu là người nhập cư giành giải Nobel trong năm”.
Điều này cho thấy, nước Mỹ là một đất nước có tiềm năng nuôi dưỡng nhân tài, nhất là đối với người nhập cư. Người nhập cư tại Mỹ luôn được trao cơ hội nghiên cứu và phát triển năng lực bản thân trong môi trường có nền khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Theo một nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới, Mỹ không chỉ sở hữu số lượng người nhập cư giành giải Nobel cao mà còn là 1 trong top 4 quốc gia có lượng người nhập cư tay nghề cao trên thế giới. Ba quốc gia còn lại là Anh, Canada và Úc.
Trong một nghiên cứu có tiêu đề “Dòng chảy chất xám toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới, năm 2010 các nước trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đã thu hút khoảng 28 triệu người nhập cư có trình độ cao, tăng 130% kể từ năm 1990. Trong đó 4 nước OECD là điểm đến của gần 70% trong tổng số 28 triệu người nhập cư.
Nghiên cứu này còn chỉ ra rằng, riêng Mỹ đã tiếp nhận gần một nửa số người di cư có tay nghề cao đến OECD, và sở hữu ⅓ số người di cư có tay nghề cao trên toàn thế giới. Năm 2010, Hoa Kỳ đã tiếp đón 11,4 triệu người nhập cư lành nghề, chiếm 41% tổng số người nhập cư trình độ cao của OECD.
Nguyên nhân của sự gia tăng lượng người nhập cư trình độ cao đến các nước OECD được các nhà nghiên cứu lý giải như sau:
- Thứ nhất, do nỗ lực thu hút nhân tài của các nhà hoạch định chính sách đầu tư.
- Thứ hai, ngày càng có nhiều sinh viên quốc tế du học tại các nước tiên tiến với mong muốn lĩnh hội nền giáo dục tốt nhất..
Việc những người nhập cư là các cá nhân có tay nghề và trình độ cao gây ra sự tranh cãi gay gắt, vì đối với các nước cử nhân tài qua học tập và làm việc tại nước ngoài sẽ khiến họ dễ mất đi một lực lượng lao động có tay nghề cao. Tuy nhiên, khi người nhập cư có năng lực và trình độ cao được làm việc tại những quốc gia phát triển cũng tạo ra rất nhiều lợi thế tích cực cho họ.
Hiện nay, không ít quốc gia thiếu hụt năng lực trong giáo dục cũng như nguồn lực tài chính hạn chế để đào tạo nhân lực. Các quốc gia có tỷ lệ người di cư cao đến những nước OECD thường là những nơi có thu nhập thấp, hoặc chỉ là những quốc đảo nhỏ.
Việc người lao động có trình độ và tay nghề cao đến làm việc tại các nước tiên tiến giúp họ có cơ hội phát triển hơn trong môi trường khoa học và công nghệ cao, cơ sở vật chất nghiên cứu hiện đại. Một số người sau khi trở về nước nhà trở nên trưởng thành hơn, sở hữu vốn tri thức ưu tú và kỹ năng tốt hơn so với khi họ chưa rời quê hương.
Đối với những người nhập cư lựa chọn ở lại làm việc ở các nước phát triển cũng có nguyên nhân sâu xa, theo nhà kinh tế Çaglar Ozden của Ngân hàng Thế giới phân tích: Lý do người lao động rời đi có liên quan đến hoàn cảnh sống của họ, nếu như quê hương của họ có định hướng phát triển và cải thiện đời sống chung cho những người có trình độ cao, họ sẽ ở lại.
Vai trò của phụ nữ
Nghiên cứu đã ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc gia tăng số lượng người nhập cư có tay nghề cao.
Trước hết, nói về tỷ lệ nữ nhập cư có tay nghề cao, ở các nước OECD đã tăng 152% kể từ năm 1990 đến năm 2010 (từ 5,7 triệu người lên 14,4 triệu người). Riêng năm 2010, tỷ lệ nhập cư nữ có tay nghề cao nhiều hơn nam.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ người nhập cư nữ có trình độ cao đến từ các quốc gia châu Á và châu Phi cao nhất, cho thấy rằng có sự bất bình đẳng giới cùng không ít thách thức trong thị trường lao động đã góp phần thúc đẩy họ di cư.
Nhà kinh tế Ozden cảnh báo: Việc đánh mất đi những lao động nữ có học vấn cao sẽ là một vấn đề nan giải vì các bà mẹ có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự giáo dục con trẻ. Nếu trẻ em được giáo dục tốt, dân trí sẽ phát triển hơn và ngược lại.